
Mục lục
- Căn hộ chung cư là gì?
- Nhà ở – Căn hộ xã hội là gì?
- Căn hộ thương mại là gì?
- Cách tính diện tích căn hộ chung cư
- Phí bảo trì căn hộ chung cư là gì?
- Phí quản lý chung cư là gì?
- Điều kiện mở bán nhà chung cư?
- Giá bán căn hộ được tính trên diện tích tim tường hay thông thủy?
- Quy định về cấp giấy chứng nhận nhà ở (sổ hồng) đối với nhà chung cư
- Quy định sở hữu nhà chung cư đối với người nước ngoài
Căn hộ chung cư và nhiều vấn đề liên quan đến nhà chung cư như cách tính diện tích, phí quản lý, phí bảo trì, sổ hồng…là nội dung mà Nhadatbonphuong.vn muốn chia sẻ đến mọi người trong bài viết này.
Hi vọng những nội dung về căn hộ chung cư được chia sẻ dưới đây cung cấp phần nào kiến thức cho các bạn sale mới vào nghề mô giới bds hoặc giải đáp các thắc mắc khách hàng đang quan tâm.
Căn hộ chung cư là gì?
Theo khoản 3, điều 3 Luật Nhà Ở 2014: Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.
Nhà ở – Căn hộ xã hội là gì?
Theo khoản 7 điều 3 luật Nhà ở 2014 Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.
Những đối tượng được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội
- Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
- Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;
- Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
- Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
- Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này;
- Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;
- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
- Chưa có sở hữu nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được hỗ trợ mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội.
- Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội
- Thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (Ngoại trừ người có công với cách mạng, người bị thu hồi đất, học sinh & sinh viên trường dân tộc nội trú công lập)
Căn hộ thương mại là gì?
Theo khoản 4 điều 3 của luật nhà ở 2014 Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường.
Cách tính diện tích căn hộ chung cư
Khi mua căn hộ chung cư bạn sẽ không khỏi băn khoăn diện tích tim tường là gì? mà diện tích thông thủy or diện tích sử dụng là gì?.
Diện tích tim tường sẽ tính bao gồm tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong
Diện tích thông thủy là diện tích
Bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ và diện tích ban công, lô gia (nếu có) gắn liền với căn hộ đó.
Không bao gồm tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ. Khi tính diện tích ban công thì tính toàn bộ diện tích sàn, trường hợp ban công có phần diện tích tường chung thì tính từ mép trong của tường chung.
Nếu bạn quan tâm đến công thức tính diện tích tim tường và thông thủy có thể xem tại đây
Phí bảo trì căn hộ chung cư là gì?
Theo quy định tại điều 108 Luật Nhà Ở hiện hành, người mua phải đóng kinh phí bảo trì nhà chung cư bằng 2% giá trị căn hộ. Khoản tiền này được tính vào tiền bán căn hộ và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán. Khách hàng chỉ đóng 1 lần duy nhất vào thời điểm nhận bàn giao căn hộ. Kinh phí bảo trì này được ban quản trị nhà chung cư quản lý để phục vụ cho công tác bảo trì phần sở hữu chung (cầu thang, thang máy, sảnh đón, lối đi…).
Phí quản lý chung cư là gì?
Kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng hàng tháng hoặc theo định kỳ (bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao căn hộ, diện tích khác trong nhà chung cư mà chưa sử dụng) để đơn vị quản lý vận hành thực hiện các công việc quy định tại Khoản 1 Điều 10 của Quy chế này.
PHÍ QUẢN LÝ HÀNG THÁNG PHẢI ĐÓNG = Diện tích thông thủy x giá dịch vụ quản lý/m2
Ví dụ: Bạn đang ở căn hộ 2 phòng ngủ diện tích tim tường 62m2 – diện tích sử dụng 57m2 tại dự án Aio City tại bên cạnh siêu thị nhật Aeon Mall Bình Tân với giá phí quản lý 15.000đ /m2/tháng.
Số tiền quản lý phải đóng = 57m2 x 15.000đ = 855.000đ
Phí quản lý vận hành nhà chung cư được sử dụng để
a) Điều khiển, duy trì hoạt động, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống thang máy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy, dụng cụ chữa cháy, các thiết bị dự phòng và các thiết bị khác thuộc phần sở hữu chung, sử dụng chung của tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư;
b) Cung cấp các dịch vụ bảo vệ, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, diệt côn trùng và các dịch vụ khác bảo đảm cho nhà chung cư hoạt động bình thường;
c) Các công việc khác có liên quan.
Lưu ý: Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư không bao gồm kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, chi phí trông giữ xe, chi phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc và các chi phí dịch vụ khác phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
Điều kiện mở bán nhà chung cư?
Khi bạn mua nhà phố thì chỉ cần thấy sổ hồng và bên cạnh đó kiểm tra ngôi nhà đó không bị dính quy hoạch, không bị tranh chấp, không bị kê biên thi hành án giá cả hợp lý thì cọc chồng tiền công chứng thôi đúng không.
Nhưng đối với việc mua căn hộ chung cư hình thành trong tương lai đòi hỏi bạn phải tốn chút thời gian để xem xét nhiều thứ hơn như chủ tư, đơn vị xây dựng,chọn hướng cửa sổ hay cửa chính, thanh toán, tiện ích dự án, tiện ích xung quanh…Và điều quan trọng nhất là PHÁP LÝ DỰ ÁN.
Vậy một dự án nhà ở chung cư đầy đủ về pháp lý, đủ điều kiện để mở bán là gì?
- Giấy phép xây dựng
- Biên bản nghiệm thu phần móng (vì luật quy định căn hộ thì phải xong móng mới được bán)
- Chứng thư bảo lãnh từ ngân hàng (cái này khá quan trọng nhưng ít cdt đáp ứng được)
- Văn bản đủ điều kiện huy động vốn của SXD (3 điểm trên bạn không cần quan tâm cho nhức đầu. chỉ cần có văn bản này thì dự án 100% sạch về pháp lý)
» Xem thêm: Tổng hợp những điều cần lưu lý khi mua căn hộ chung cư
Giá bán căn hộ được tính trên diện tích tim tường hay thông thủy?
Thông tư của Bộ Xây dựng không quy định bắt buộc Bên bán và Bên mua căn hộ nhà chung cư phải tính diện tích sàn căn hộ theo kích thước tim tường mà đã hướng dẫn 2 cách tính để các bên thỏa thuận. Bởi vì, giao dịch mua bán nhà ở là giao dịch dân sự và theo pháp luật dân sự thì các bên mua bán được quyền thỏa thuận lựa chọn một trong hai cách tính nêu trên, khi các bên đã thống nhất lựa chọn cách tính diện tích căn hộ ghi vào hợp đồng mua bán thì phải tuân thủ các thỏa thuận nêu trong hợp đồng. Đồng thời, Thông tư 16/2010/TT-BXD cũng yêu cầu bắt buộc phải ghi rõ trong hợp đồng, diện tích sàn căn hộ để tính giá bán được xác định theo phương pháp nào, tính theo tim tường hay tính theo thông thủy để tránh sự tranh chấp có thể xảy ra nếu không ghi rõ phương pháp tính trong hợp đồng mua bán. (Theo ông Nguyễn Mạnh Hà Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS , Nguồn: tại đây)
Quy định về cấp giấy chứng nhận nhà ở (sổ hồng) đối với nhà chung cư
Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 quy định nhà ở, cá nhân có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (Nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn).
Thời gian cấp sổ hồng đối với căn hộ chung cư
Tại điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: “Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, công trình xây dựng cho người mua hoặc kể từ ngày hết hạn thuê mua thì phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận”. Do đó, khi gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư giải thích và hỗ trợ thực hiện.
Quy định sở hữu nhà chung cư đối với người nước ngoài
Người nước ngoài nào được sở hữu nhà chung cư tại Việt Nam?
Theo khoản 1 điều 159 Luật Nhà Ở quy định đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);
- Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Các hình thức sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam?
Theo khoản 2 điều 159 Luật Nhà Ở quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:
- Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
- Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Điều kiện để sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam là gì?
Đối với cá nhân nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.
Người nước ngoài được sở hữu nhà chung cư tại Việt Nam trong bao nhiêu năm?
Theo điểm c khoản 2 điều điều 161 Luật nhà ở quy định: Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận.